Tin tức
Các loại nhựa đường và ứng dụng của nhựa đường trong xây dựng
Ngày đăng: 03/01/2018 | Lượt xem: 5315
Nhựa đường là sản phẩm của công nghiêp lọc, hóa dầu và hiện nay thường được chia thành 2 loại chính là nhựa đường lỏng và nhựa đường đặc. Mỗi loại lại có đặc tính, cách sử dụng và ứng dụng khác nhau.
1. Nhựa đường đặc
Nhựa đường đặc gồm hai loại là nhựa đường đặc Bitum có nguồn gốc từ dầu hỏa và nhựa đường đặc Hắc ín có nguồn gốc từ than đá. Tuy nhiên, nhựa đường đặc Bitum là loại phổ biến và được ứng dụng nhiều hơn trong xây dựng. Nhựa đường đặc Bitum là sản phẩm thu được từ công nghệ lọc dầu mỏ, có dạng đặc quánh, màu đen. Tùy theo điều kiện chế tạo, nhựa đường đặc được chia thành các loại mác nhựa có cấp độ kim lún khác nhau như: 40/60; 60/70; 70/100; 100/150; 150/250…
Nhựa đường đặc khi được đun nóng tới nhiệt độ thích hợp và được phối trộn cùng các vật liệu đá, cát, sỏi theo tỷ lệ thích hợp thì sẽ tạo thành bê tông nhựa đường. Nhựa đường đặc khi được phối trộn theo tỷ lệ thích hợp với dầu hỏa, diezel sẽ tạo thành nhựa đường lỏng, còn khi phối trộn với các chất tạo nhũ và nước sẽ tạo thành nhũ tương nhựa đường.
Ứng dụng chính của nhựa đường đặc là sản xuất bê tông nhựa đường, nhựa đường lỏng và nhũ tương nhựa đường phục vụ thi công đường bộ và các công trình giao thông. Ngoài ra nhựa đường đặc còn có thể sử dụng làm vật liệu xử lý bề mặt, chống thấm hoặc gắn kết các ván ốp trong công nghiệp xây dựng.
2. Nhựa đường lỏng
Nhựa đường lỏng là sản phẩm tạo ra từ quá trình hòa trộn nhựa đường đặc với dầu hỏa theo tỷ lệ thích hợp. Ở trạng thái tự nhiên, nhựa đường lỏng có dạng lỏng, màu đen. Mác của nhựa đường lỏng được qui định theo cấp độ nhớt, gồm 5 cấp độ nhớt là: 10-20; 20-40; 40-80; 80-140; 140-250.
Căn cứ theo tốc độ đông đặc, nhựa đường lỏng có thể chia thành 03 loại gồm:
- Nhựa đường lỏng đông đặc nhanh
- Nhựa đường lỏng đông đặc vừa
- Nhựa đường lỏng đông đặc chậm
Nhựa đường lỏng MC30 và MC70 là hai loại nhựa đường lỏng đông đặc vừa và có độ nhớt tối thiểu là 30 và 70 hiện được sử dụng phổ biến nhất trong thi công công trình giao thông ở Việt Nam.
Nhựa đường lỏng là vật liệu để phục vụ thi công đường bộ và các công trình giao thông. Nhựa đường lỏng thường được sử dụng để tưới mặt đường hoặc để làm lớp dính bám giữa hai lớp bê tông nhựa.
Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay xuất hiện một số loại nhựa đường giả mạo, không đảm bảo chất lượng dẫn tới ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công trình. Các đơn vị bán hàng và nhà nhập khẩu Việt Nam giả mạo nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ trên các chứng từ, giả mạo quy cách đóng gói đối với vật liệu nhựa đường phuy có độ kim lún 60/70. Vì vậy, các nhà thầu và đơn vị thi công cần lựa chọn các cơ sở uy tín để mua hàng.